Trả lời chất vấn về việc bố trí kinh phí triển khai phiên tòa trực tuyến
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Văn bản 792/TTg-KTTH ngày 11/9/2023 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Quốc hội Khoá XV
Ảnh minh họa.
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong, trong thời gian qua hoạt động của các Tòa án địa phương đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương trong đó có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương trong việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, qua đó góp phần giúp Tòa án các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây việc tổ chức thực hiện có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước 2015 dẫn đến tình trạng một số địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động của Tòa án. Mặc dù, theo quy định tại công văn liên tịch số 16588/CVLT-BTC-TANDTC ngày 28/11/2012 của Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân Tối cao thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho hoạt động của Tòa án nhân dân.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2012 của Quốc hội khóa XV đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cơ quan tiến hành tố tụng. Để hoạt động này được thực hiện thuận lợi hơn thì việc trang bị cơ sở vật chất cho các điểm cầu tham gia xét xử trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nhiều Tòa án địa phương vẫn chưa có đầy đủ trang thiết bị vận hành tại các điểm cầu gồm Nhà tạm giam, trụ sở Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cũng như hệ thống đường truyền internet đảm bảo an toàn thông tin và đạt chuẩn do sự thiếu hỗ trợ từ nguồn ngân sách của chính quyền địa phương, từ đó làm chậm quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội.
Do đó, đại biểu kiến nghị Phó Thủ tướng có chỉ đạo hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định trên nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời bố trí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động của các Tòa án địa phương, đặc biệt trong công tác xét xử trực tuyến về hệ thống đường truyền internet, trang thiết bị tại các điểm cầu đạt chuẩn theo quy định.
Liên quan về triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành các văn bản hướng dẫn như sau:
- Quyết định số 512A/QĐ-TANDTC ngày 19/11/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành kế hoạch triển khai thi hành về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Về bố trí kinh phí triển khai phiên tòa trực tuyến, tại Tờ trình số 231/TTr-CP ngày 16/5/2023 của Chính phủ về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương năm 2021 – 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho Tòa án nhân dân Tối cao 500 tỉ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa trực tuyến.
Tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023, Quốc hội đồng ý phân bổ 25.995,167 tỉ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó Tòa án nhân dân Tối cao được bố trí 500 tỉ đồng. Căn cứ Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, trong đó Tòa án nhân dân Tối cao được bố trí 500 tỉ đồng để thực hiện trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa trực tuyến.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán chi thường xuyên hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động công nghệ thông tin, cụ thể: Năm 2021 bố trí 48.600 triệu đồng để triển khai Dự án xây dựng trung tâm dữ liệu và phòng giám sát an ninh mạng. Năm 2022 bố trí 60.000 triệu đồng để triển khai thực hiện Tòa án điện tử.
Đối với năm 2023, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 6521/BTC-HCSN ngày 23/6/2023 trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán năm 2023 cho Tòa án nhân dân Tối cao là 30 tỉ đồng và ủy quyền cho Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 5627/VPCP-KTTH ngày 25/7/2023: "Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, tổng hợp chung đề nghị bổ sung dự toán năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương từ nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ năm 2023, rà soát, báo cáo đề xuất Chính phủ cho ý kiến trước ngày 15/8/2023 trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội, Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền"; hiện nay Bộ Tài chính đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Về về việc hỗ trợ nguồn ngân sách của chính quyền địa phương cho hoạt động của Tòa án nhân dân, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái điểm a và điểm b khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định:
"9. Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác, trừ các trường hợp sau:
a) Ngân sách cấp dưới hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong trường hợp cần khẩn trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp cấp thiết khác để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương;
b) Các đơn vị cấp trên quản lý đóng trên địa bàn khi thực hiện chức năng của mình, kết hợp thực hiện một số nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp dưới".
Theo đó, việc xác định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước. Tòa án nhân dân Tối cao đã có Công văn số 53/TANDTC-TH ngày 17/3/2022 gửi Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc đôn đốc triển khai, tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; trong đó yêu cầu các đơn vị chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất nhằm tổ chức kịp thời, hiệu quả các phiên tòa trực tuyến.
Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan (cơ quan công an, cơ sở giam giữ, trung tâm trợ giúp pháp lý...) yêu cầu các đơn vị này bảo đảm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.
Phương Hoa
Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam
Ngày đăng: 12/09/2023 14:38