Trí tuệ và chất xám của người Việt Nam tạo dấu ấn trên trường quốc tế
Ký kết thành công Hợp đồng trị giá 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài; đưa Việt Nam lên "bản đồ" sản xuất chip thế giới; là đơn vị đầu tiên đưa giáo trình giảng dạy về trí tuệ nhân tạo vào cấp phổ thông;...Tập đoàn FPT đang nỗ lực không ngừng nghỉ để góp phần đưa trí tuệ và chất xám của người Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa đã chia sẻ về những kết quả tích cực, khó khăn cũng định hướng trong năm mới, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam.
"Hái quả ngọt" trong bối cảnh nhiều thách thức
Xin ông có thể chia sẻ một số kết quả và thành tích nổi bật mà Tập đoàn FPT đạt được trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Khoa: Phải nói rằng năm 2022 quả thực rất khó khăn cho các DN bởi những biến động liên tục. Chúng tôi thường nói với nhau rằng đây là biến động hàng ngày, chứ không phải tính theo tháng hay quý. Tập đoàn FPT đã nỗ lực rất nhiều thông qua các hoạt động kết nối giao thương khi một số quốc gia/vùng lãnh thổ bị hạn chế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ nhập cảnh, tổ chức những buổi làm việc với các tập đoàn lớn đến triển khai và cung cấp các giải pháp, dịch vụ về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, với những nỗ lực và quyết tâm, FPT đã "hái quả ngọt". Đầu tiên là cán mốc 60.000 nhân viên, rất may mắn và thú vị khi nhân viên thứ 60.000 là kỹ sư phần mềm người Nhật Bản.
Thứ hai, chúng tôi đã ký được hợp đồng trị giá 1 tỷ USD từ thị trường nước nước ngoài. Đây là một dấu mốc quan trọng, minh chứng cho trí tuệ và chất xám của người Việt Nam vươn ra toàn cầu, tạo dấu ấn đặc biệt. Trong năm 2022, khi tình hình rất khó khăn, phức tạp, FPT nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã vượt qua một số tên tuổi lớn trong làng công nghệ thông tin đến từ Ấn Độ, châu Âu,… để đem về cho Việt Nam hợp đồng giá trị lớn.
Ngoài ra, khối công nghệ thông tin của FPT ở trong nước cũng đạt 1 tỷ USD về doanh số. Những kết quả này đã tạo ra tốc độ tăng trưởng cho FPT năm 2022, tăng 23,4% về doanh thu; 20,8% về lợi nhuận so với năm 2021.
Một điểm sáng nữa là FPT đã cán mốc 200 sản phẩm "Make in Vietnam", trong đó có rất nhiều sản phẩm được thế giới công nhận, nhiều tập đoàn quốc tế đang sử dụng.
Ngoài ra, chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số trong những năm qua. Đối với doanh nghiệp, kết quả của việc này chính là doanh thu về chuyển đổi số. Doanh thu chuyển đổi số của FPT đã đạt 7.000 tỷ đồng trong năm 2022. Theo quan điểm của tôi, đây chỉ là 1 con số chưa đầy đủ, kết quả tích cực tổng thể hơn là động lực cả trong nước và quốc tế đã tạo ra một thị trường chuyển đổi số vô cùng lớn.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như Tổng công ty Điện lực TPHCM năm qua đã có được giấy chứng nhận về chuyển số của Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này chứng tỏ không chỉ những đơn vị ngoài quốc doanh, mà ngay cả những công ty nhà nước đang hướng đến chuyển đổi số một cách rõ rệt.
Chính vì vậy, tôi cho rằng trong lúc càng khó khăn, nội lực và sức bật càng của chúng ta mạnh. Các doanh nghiệp đang bắt nhịp với tiến trình chuyển đổi số.
Tìm bằng được "cơ" trong "nguy"
Chúng ta đang trong những ngày đầu tiên của năm 2023, một năm được dự báo có nhiều thách thức cũng như cơ hội. Định hướng và kế hoạch của Tập đoàn FPT trong thời gian tới là gì?
Ông Nguyễn Văn Khoa: Tôi muốn nói đôi chút về nền tảng. Năm 2022, FPT đã góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ sản xuất chip trên thế giới. Tôi nghĩ rằng đây là một điểm nhấn lớn. Chúng tôi đã cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên trong lĩnh vực y tế và dự kiến sẽ cung cấp khoảng 25 triệu chip này trên toàn cầu.
Ngoài ra, FPT đã ký hợp tác với 25 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. Đồng thời, hơn 100.000 học sinh, sinh viên theo học trong hệ thống giáo dục của tập đoàn. Tôi nghĩ đây là những nền tảng rất quan trọng cho FPT trong năm 2023, khi chúng tôi đang tích lũy, chuẩn bị những nguồn lực một cách tốt nhất.
Đặc biệt, chúng tôi cũng đang quan sát thị trường của năm 2023 và xác định còn nhiều khó khăn cả trong nước và thế giới nhưng chúng tôi sẽ tìm bằng được "cơ" trong "nguy".
Những cơ hội đó là gì? Thứ nhất là chuyển đổi số sẽ đóng vai trò dẫn dắt cho các quốc gia. Trong đó, dữ liệu là yếu tố rất quan trọng, quyết định thành bại của đề án hay công cuộc chuyển đổi số. Ý thức, hành vi cũng người dùng cũng tác động đến kết quả. Và kết quả ấy có đem lại lợi ích hay không thì phụ thuộc vào cách áp dụng. FPT có những phương pháp luận để bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Cơ hội hiện diện trên toàn cầu. Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang nhìn Việt Nam như một điểm sáng, không chỉ về thu hút đầu tư mà chúng tôi còn đầu tư ra nước ngoài. FPT là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ra nước ngoài một cách mạnh mẽ. Chúng tôi chú trọng đầu tư bằng chất xám và khoa học công nghệ.
Với nền tảng của hệ thống đào tạo, một nguồn lực vô cùng lớn đang được tạo ra cho tập đoàn. Chúng tôi cũng ký kết với Tập đoàn IPP và trở thành đơn vị đầu tiên đưa giáo trình giảng dạy về trí tuệ nhân tạo (AI) cho học sinh từ cấp phổ thông tại Việt Nam. Học sinh của FPT sẽ được học và làm quen với AI, ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ AI ngay từ cấp 1, 2, 3.
Tôi tin tưởng khoa học công nghệ sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Cơ hội cho FPT năm 2023 đến từ cả trong và ngoài nước. Về trong nước, FPT đẩy nhanh chuyển đổi số, "làm giàu" và xây dựng hệ thống dữ liệu, thúc đẩy áp dụng các hệ thống công thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với nước ngoài, nhu cầu về nguồn lực rất lớn, chúng tôi đang tìm cách thu hút lao động từ thị trường Ấn Độ, Đông Âu.
Bên cạnh đó, FPT cũng thành lập các khu công nghệ trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt là khu vực từ Nam Trung Bộ đến các tỉnh Nam Bộ để mang những nguồn lực từ nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Cần giao cho cộng đồng công nghệ Việt Nam những "bài toán lớn"
Trong bối cảnh chuyển đổi số được xác định là trọng tâm chiến lược để phát triển quốc gia, với vị trí là CEO của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, ông có những đề xuất, kiến nghị gì?
Ông Nguyễn Văn Khoa: Tôi mong rằng Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới cộng đồng công nghệ thông tin. Các quốc gia phát triển đều có những tập đoàn công nghệ rất lớn. FPT đã làm công nghệ theo cách riêng trong 35 năm nay. Tôi muốn đề xuất trong các hoạt động ngoại giao với các nền kinh tế lớn, các nước trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ dành thời gian nhiều hơn để hỗ trợ cộng đồng công nghệ trong nước cùng vươn ra quốc tế và mang giá trị, kinh nghiệm, sản phẩm, lợi nhuận về cho đất nước.
Thứ hai, tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi nhanh hơn cả ở khu vực nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Vậy, làm gì để nhanh hơn? Tôi cho rằng cần ưu tiên giao cho doanh nghiệp, cộng đồng công nghệ thông tin của Việt Nam những "bài toán lớn". Có thể những "bài toán" ấy không chỉ FPT mà phải cần nhiều doanh nghiệp cùng nhau đồng hành để giải quyết.
Thêm vào đó, cần chuẩn hóa những tiêu chuẩn như cách chúng tôi hay gọi là "tam quy", đó là quy hoạch, quy chuẩn và quy chế. Thiết kế tổng thể cần được áp dụng một cách triệt để bởi lẽ sự thiếu đồng bộ về hạ tầng công nghệ sẽ là lực cản lớn để kết nối vào các hệ thống của Chính phủ và gây tốn kém kinh phí. Cùng với đó, chúng ta cũng cần chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao./.
Xin cảm ơn ông!
Minh Ngọc
Theo baochinhphu.vn
Thời gian đăng: 03/02/2023 08:35