Bước đột phá cải thiện đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội

03/07/2021, 14:11

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Đây sẽ là những chính sách cải thiện một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội.

 

Những chính sách mới sẽ giúp cải thiện đời sống của các đối tượng bảo trợ xã hội

Theo báo cáo từ các địa phương, cả nước có 3,13 triệu người (khoảng 3% dân số) hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc và 48.423 người đang được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, tăng 3,5 lần so với năm 2006. Tổng kinh phí thực hiện chính sách là 17.563 tỷ đồng.

Để từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường xã hội hóa và phân cấp trách nhiệm cho các địa phương trong việc mở rộng đối tượng, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và cải cách thủ tục hành chính, Bộ LĐTB&XH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

6 điểm mới nổi bật

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Nghị định số 20 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có 6 điểm mới nổi bật.

Thứ nhất, Nghị định quy định bổ sung một số nhóm đối tượng hưởng chính sách. Cụ thể: Người từ 75-80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định tùy vào điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bổ sung những đối tượng khó khăn trên địa bàn hưởng chính sách.

Thứ hai, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng, tăng 1,33 lần. Điều chỉnh hệ số tính mức cho đối tượng ở trong cơ sở trợ giúp xã hội với mức thấp nhất là hệ số 4. Các chế độ hỗ trợ chi phí mai táng, hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị đổ, sập, trôi cháy do thiên tai, hỏa hoạn cũng được điều chỉnh tăng phù hợp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng tạo cơ chế để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức áp dụng trên địa bàn cao hơn mức tối thiểu tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương.

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hợp nhất thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm 5 thủ tục hành chính. Tạo thuận lợi để người dân đăng ký, kê khai thông tin hưởng chính sách. Đồng thời tạo điều kiện để các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận đăng ký và giải quyết chính sách trực tuyến.

Thứ tư, quy định chi tiết về phương thức, cách thức thực hiện chi trả chính sách thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ. Trong đó hướng tới chi trả điện tử thông qua tài khoản ngân hàng.

Thứ năm, phân công, phân cấp trách nhiệm rõ trong quá trình thực hiện chính sách. Bỏ quy định thành lập hội đồng xét duyệt chính sách ở cấp xã, giao trực tiếp trách nhiệm cán bộ công chức và UBND cấp xã.

Thứ sáu, quy định cụ thể về kinh phí, cơ chế lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí tạo thuận lợi để các địa phương huy động nguồn lực cho thực hiện.

Khẩn trương triển khai, cải thiện đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội

Ông Nguyễn Ngọc Toản cho rằng, Nghị định phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, không chồng chéo nội dung, đối tượng. Đồng thời, những quy định được triển khai sẽ cải thiện một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội.

Theo tính toán, ngân sách chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho đối tượng theo Nghị định 20 vào khoảng 23.675 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 20, đã có 12 tỉnh, thành phố chủ động tăng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 390.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội bằng 1/3 mức lương cơ sở, cao nhất trong cả nước (tương đương khoảng 500.000 đồng/tháng).

Để Nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; ban hành Quyết định số 635/QĐ-LĐTBXH về công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp đối tượng, dự kiến ngân sách và thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã dự thảo thông tư hướng dẫn về nội dung chi, mức chi, nguồn kinh phí, lập, phân bổ và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Hiện đã lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 7/2021.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn huyện, xã tổ chức thực hiện, bảo đảm đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội được chuyển sang hưởng mức mới từ ngày 1/7/2021.

Thu Cúc

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 07:47, 03/07/2021