Nét vẽ thiên thần

19/06/2021, 15:11

Nét vẽ thần tiên sẽ giúp em vượt lên chính mình, là niềm tin, niềm hy vọng khát khao cháy bỏng vào một tương lai tươi sáng đang chờ đón ở phía trước.

Người có nét vẽ thần tiên ấy là em học sinh nhỏ bé, xinh xắn và đáng yêu Hoàng Thị Thùy Trang, 10 tuổi, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Thanh Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Em sống cùng với người mẹ bốn mươi lăm tuổi tật nguyền, khuyết tật ngôn ngữ, không nói được, sức khỏe yếu, thần kinh không ổn định, không có khả năng lao động, sống phụ thuộc vào ông bà ngoại đã ngoài 80 tuổi, cuộc sống hàng ngày trông chờ vào việc bán rau trong vườn và hai sào ruộng, thu nhập chẳng được là bao nên đời sống gia đình rất bấp bênh.

Em sinh ra không biết mặt cha. Ai mà dám lấy mẹ em làm vợ chứ? - Một người con gái tật nguyền. Lấy về là mang nợ vào thân. Con gái trong làng thiếu gì mà phải đâm đầu vào nơi khốn khó. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà neo người, vợ chồng ngày càng lớn tuổi, sức khoẻ ngày càng yếu. Ông bà như ngọn đèn leo lét trước gió, như chuối chín cây, chẳng thể sống mãi trên đời để chăm sóc người con gái thân yêu tật nguyền tội nghiệp được nên đã quyết định để con gái mình xin một đứa con để có thể nương tựa mỗi khi trái gió trở trời lúc về già.

Hình ảnh Hoàng Thị Thùy Trang với tác phẩm của mình.

Ngày em chào đời, ông bà mừng lắm. Thế là nguyện ước của ông bà đã thành hiện thực. Em lớn lên trong sự yêu thương chăm sóc của ông bà ngoại, của người mẹ tật nguyền. Nhưng thật lạ, những đứa trẻ cùng trang lứa đều nói được nhưng riêng em thì không. Ông bà buồn lắm khi biết cháu không nói được, nhưng cũng mừng vì em không có những biểu hiện khác như bệnh của mẹ nên đến tuổi đi học ông bà cố gắng cho cháu đi học ở trường cách nhà tám trăm mét để cháu không thua thiệt bạn bè, để cháu có kiến thức mà vươn lên trong cuộc sống. Ngoài học tập tại trường, em giúp ông bà các việc trong nhà như quét nhà, rửa bát, nấu cơm, nhặt rau, bán rau. Bé khỏe mạnh và nhanh nhẹn, nhận thức xã hội hơn mẹ rất nhiều. Ông bà cũng rất hi vọng vào em.

Là học sinh khuyết tật nên bé được hưởng chế độ khuyết tật theo thông tư liên tịch số 42/2013/BGD&ĐT-BLĐTBXH-BTC trong 9 tháng của năm học, nhận theo hai kì, kì 1 nhận 4 tháng, kì 2 nhận 5 tháng. Ngoài ra, Trang còn được cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường quyên góp vào dịp khai giảng năm học mới, mỗi lần hỗ trợ từ 300.000-500.000 đồng, được các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tiền mặt 3 đợt với tổng số tiền 4.500.000đồng cùng nhiều hiện vật khác như: áo quần, cặp sách, vở, dép, ...

Những khi em bị bạn trêu chọc hay đùa giỡn vô ý va vào người, em buồn lắm thường hay thu mình lại như một con ốc ở chỗ ngồi ít khi giao tiếp với các bạn. Em mặc cảm với bạn bè khi mình không thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè được. Em buồn vì các bạn đã không hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình, không yêu thương mà còn xa lánh không chơi với mình nữa. Em tủi thân lắm, nhiều lúc bật khóc, đôi mắt đỏ hoe. Điều đó khiến tôi lo lắng phải làm sao để em có thể hoà nhập được với bạn bè, để em không còn tự ti, mặc cảm, thấy cô đơn trong chính lớp học, chính ngôi trường của mình.

Giờ sinh hoạt lớp, sau khi nhận xét tình hình học tập của lớp trong tuần, với ánh mắt trìu mến tôi quan sát lớp các em học sinh khoanh tay ngồi ngay ngắn hỏi “em nào đọc cho thầy 5 điều Bác Hồ dạy nào?”. Hàng loạt cánh tay giơ lên xung phong trả lời câu hỏi của thầy. Tôi gọi một học sinh ngoan, học giỏi nhất lớp trả lời. Em đọc “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt; đoàn kết tốt, kỉ luật tốt; giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Tôi khen em đã cung cấp cho cả lớp rất tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với thiếu niên nhi đồng. Trong thời gian qua, lớp ta ngoài những việc làm tốt chúng ta cũng còn một số việc chưa thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, các em có biết là sự việc gì không nào?

Nhiều ánh mắt ngơ ngác, ngạc nhiên đổ dồn về phía thầy giáo, không hiểu lớp mình còn điều gì làm chưa tốt theo lời dạy của Bác. Các em không tìm ra lời giải đáp, lúc ấy tôi chậm rãi nói. Các em biết không, các em đã chưa thực hiện tốt lời dạy “yêu đồng bào” và “đoàn kết”. Yêu đồng bào là phải biết yêu thương, giúp đỡ tất cả mọi người, nhất là những người yếu thế, tật nguyền, thiếu may mắn trong cuộc sống. Họ là những mảnh đời bất hạnh, đáng thương, vì thế mỗi chúng ta phải biết yêu thương, sẻ chia, chăm sóc họ để họ vơi đi nỗi nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống, để họ không mặc cảm, tự ti, thắp sáng niềm tin, niềm hy vọng để họ vươn lên trong cuộc sống. Lớp ta chưa thực sự đoàn kết trong việc giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của mình với bạn, của bạn với mình, còn tình trạng trêu chọc, xa lánh bạn để bạn phải buồn đau, mặc cảm, đó là điều đáng trách mà chúng ta cần phải sửa chữa. Bạn Trang của lớp chúng ta sinh ra không biết mặt cha, sống với người mẹ tật nguyền, ông bà ngoại lớn tuổi, bạn lại bị khuyết tật ngôn ngữ nên rất đáng thương, vậy mà chúng ta lại không yêu thương, chăm sóc bạn, lại còn trêu chọc bạn, như vậy các em có thấy mình sai không nào? Dạ! vâng ạ! – Các em đồng thanh.

Các em thấy mình sai thì phải sửa, có như vậy mới hoàn thiện nhân cách bản thân mình, mới trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mới xứng đáng với 5 điều Bác Hồ dạy. Từ nay trở đi các em phải biết yêu thương, gần gũi với bạn, đem niềm vui của bạn nhân lên, chia sớt nỗi buồn của bạn về mình. Hãy gắn kết tình yêu thương để xây dựng một lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, các em có đồng ý không nào? Dạ vâng ạ! Chúng em xin lỗi thầy, xin lỗi bạn Trang ạ. Chúng em xin hứa sẽ thay đổi hành vi để xứng đáng với lòng mong mỏi của thầy ạ. Thế rồi từng em, từng em đứng lên tiến lại chỗ ngồi của Trang ôm lấy em, những cái ôm chan chứa tình yêu thương mà nước mắt lăn dài trên má.

Trong buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho khai giảng, Trang ồ la lên khi thấy các bạn đang múa, được nhảy khiến tôi vô cùng bất ngờ. Thì ra, cô bé vẫn biết phát âm, dù chỉ là một thứ âm thanh lạc lõng, khang khác khi có cảm giác mạnh. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi, phải chăng em có nhu cầu giao tiếp rất lớn nên mới như vậy? Tôi nghĩ, mình phải tập nói cho em để em có thể giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mọi người. Nghĩ làl àm. Buổi học cuối tuần, tôi đến nhà ông bà ngoại em để xin phép được kèm cặp em thêm. Ông bà ngoại cho biết em rất thích học vẽ và múa hát, mỗi lần thấy trên ti vi có ca nhạc là em học theo hoài thấy gì thích là vẽ bất cứ đâu có thể vẽ. Mỗi buổi tới trường tôi luôn đến sớm hơn thường lệ khoảng 25 đến 30 phút để tập cho em cách phát âm những chữ cái dễ, rồi khó dần, khó hơn, những âm, vần, từ tiếng, tiếng đơn, tiếng đôi...cứ thế ngày một ít theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Những giờ học thể dục mà gặp thời tiết xấu, tôi luôn xin thầy giáo dạy thể dục để kèm riêng em. Để giảm áp lựcc ho em, xen kẽ vào luyện nói tôi cho em vẽ tranh, nghe những bản nhạc thiếu nhi vui nhộn mà em rất thích, rồi thầy trò lại miệt mài đọc đọc, viết viết. Khi em đã bắt đầu đọc được từ, tiếng, tôi lập một nhóm vòng tay bè bạn gồm những em học tốt, có năng lực nhanh nhạy thay phiên nhau tập đọc, viết cho em những lúc thầy bận hay không có tiết.

Học kì một gần hết, em đã có sự chuyển biến tích cực rõ rệt. Em đã bắt đầu đọc thành câu mặc dù phát âm một số âm chưa rõ. Mỗi câu em chỉ đọc được vài ba chữ đầu, còn lại thì cứ ậm ừ, ậm ừ. Như vậy cũng đủ cho tôi có thêm động lực, càng ra sức tập nói cho em hơn. Tôi trao đổi với đồng nghiệp về tình trạng của em để cùng họ chung tay với mình và được người ủng hộ. Những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, tôi dành thời gian đến tận nhà để dạy thêm cho em. Để tạo hứng thú cho em, tôi luôn tặng em những bông hoa tiến bộ trong vườn hoa học tốt của lớp. Tôi luôn nhắc nhở các bạn trong lớp giành sự quan tâm đặc biệt với em hơn. Ai giúp em đọc viết được chừng nào càng tốt chừng đó. Nhóm vòng tay bè bạn cũng rất tích cực và nhiệt tình. Các em luôn báo cáo sự tiến bộ của em với tôi sau những lúc kèm bạn.

Tiết hoạt động trải nghiệm, tôi cho em tham gia vào đội múa của lớp, em mạnh dạn tham gia một cách tự tin và thể hiện cùng bạn bè rất thành công. Thầy cô, bạn bè trong trường ai cũng khen ngợi và hướng sự chú ý tới em hơn. Ngày sách Việt Nam được nhà trường tổ chức vào tháng 4 năm 2021 là một cơ hội rất tốt để em trải nghiệm. Tôi đăng ký cho em tham gia cuộc thi sáng tác truyện tranh do Liên đội tổ chức. Thầy và trò cùng lên ý tưởng, chủ đề của truyện tranh. Em cầm bút chì phác thảo trong một thời gian rất nhanh là hoàn thành bức tranh như mong muốn của mình. Ngắm truyện tranh em vẽ, tôi lại nhớ đến tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của O - Hen – ri, “Bức tranh của em gái tôi” của Tạ Duy Anh để nghĩ về vai trò to lớn của nghệ thuật nói chung, hội hoạ nói riêng đối với đời sống của con người, để nhận ra rằng trong giáo dục, hội họa là phương tiện giáo dục hữu hiệu ở mẫu giáo và tiểu học, vừa là phương tiện rèn luyện tính tình, tập tính nhẫn nại, cẩn thận, trật tự, sạch sẽ và nhất là yêu cái đẹp, phát hiện, vun bồi những mầm măng nghệ thuật phát triển năng khiếu của mình.

Trong ba ngày, tranh thủ ngoài giờ học, Trang đã hoàn thành cuốn truyện tranh gồm 12 trang A4 với những họa tiết ngộ nghĩnh, màu sắc tươi sáng cùng sự giúp đỡ của thầy và hai bạn cùng lớp. Cuốn truyện tranh em vẽ đạt giải Nhì, ai cũng rộn rã niềm vui. Ngày nhận giải thưởng, toàn trường rền vang một tràng pháo tay khi em thốt lên: “Em cảm ơn!” rõ ràng, rành mạch trước sự ngỡ ngàng của mọi người trong sân trường đầy ắp những tia nắng ấm áp rạng ngời niềm vui trẻ thơ.

Nét vẽ thần tiên ấy bước đầu đã giúp em vượt lên chính mình để sống chan hòa với các bạn bè đồng trang lứa, là niềm tin, niềm hy vọng khát khao cháy bỏng vào một tương lai tươi sáng đang chờ đón em ở phía trước. Để khi ông bà ngoại khuất núi thì em sẽ là chỗ dựa vững chắc của người mẹ tật nguyền thân yêu. Nét vẽ thần tiên ấy sẽ nâng bước em những bước đi chững chạc trên hành trang vào đời của mình.

Phạm Minh Phong

Nguồn: donghanhviet.vn