Nghề báo & những trở trăn…!

21/06/2021, 14:08

Báo chí – một nghề rất vinh quang những cũng đầy vất vả, khó nhọc… Bước vào kỷ nguyên số, đặc biệt là nền kinh tế thị trường, báo chí càng có cơ hội phát triển nhưng cũng kiêm thêm nhiều trọng trách. Vai trò của báo chí cách mạng biến đổi ra sao trong thời cách mạng khoa học công nghệ? Nhà báo được đánh giá như thế nào trước góc nhìn của các nhà quản lý, luật sư, doanh nghiệp?

Nghề báo & những trở trăn…!  - Ảnh 1

Ông Hà Quang Dự - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng; Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn:“Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí!”

“Tôi sinh ra vào giữa thế kỷ trước, trong suốt quá trình công tác tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nhà báo, phóng viên, từ các nhà báo lão thành cách mạng đến những phóng viên trẻ hiện nay. Tôi rất ấn tượng về sự cống hiến, phấn đấu, rèn luyện của các thế hệ nhà báo cho nền báo chí cách mạng của đất nước ta.

Trong mấy năm gần đây chúng ta đã quy hoạch lại mạng lưới báo chí, đó cũng là một việc làm cần thiết vì số lượng các cơ quan báo chí “bung” ra quá nhiều, vượt quá sự kiểm soát, cũng như nhu cầu của cuộc sống. Chính vì sự phát triển quá mạnh mẽ đó dẫn tới chất lượng báo chí bị hạn chế. Thêm vào đó, khi chúng ta phát triển công nghệ khoa học, báo mạng lên ngôi đẩy các thể loại báo in vào tình thế rất khó khăn. Chính vì lẽ đó, việc quy hoạch lại hệ thống báo chí là rất cần thiết. Tuy nhiên, sự quy hoạch đó phải được đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để đạt được hiệu quả cao hơn trong hoạt động báo chí.

Thực tế, những tờ báo có truyền thống phát triển bấy lâu nay như Lao Động, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên hay một số cơ quan báo chí ngành như Pháp luật Việt Nam; Sức khỏe & Đời sống… vẫn tiếp tục giữ được số lượng xuất bản rất khá vì các đơn vị đó căn cơ tính toán và có một đội ngũ phóng viên, nhà báo, cán bộ biên tập tốt.

Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí, bởi có rất nhiều việc quan trọng được báo chí phát hiện chứ không phải do cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư, hay từ một chi bộ Đảng, vai trò lãnh đạo của một cơ quan nào đó. Đó là một hoạt động rất hiệu quả của báo chí… và càng ngày càng có sự đảm bảo hơn cho nền báo chí tự do phát triển. Do tự do phát triển nên báo chí cũng có cơ hội đóng góp, giúp cho các cơ quan quản lý xã hội một cách tốt hơn. Một điều nữa cũng phải ghi nhận là anh em phóng viên, nhà báo hiện nay được đào tạo bài bản hơn, học nghề cơ bản hơn, lại được hỗ trợ bởi các phương tiện tác nghiệp hiện đại nên càng có cơ hội phát triển.

Trong hoạt động tác nghiệp hiện nay, nhà báo cũng gặp rất nhiều cám dỗ, bị tha hóa, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh giá thấp vai trò của báo chí. Là một người đã từng trải qua rất nhiều vị trí công tác, cương vị khác nhau và liên quan đến báo chí rất nhiều, tôi luôn ủng hộ và cổ vũ cho các nhà báo, phóng viên trẻ có điều kiện thật tốt để phục vụ Đảng, dân tộc, cho sự phát triển của đất nước. Tôi hy vọng anh em phóng viên trẻ có thể tự rèn luyện để trở thành những cây bút hiện đại, cống hiến thật nhiều cho đất nước.

Một điều chúng ta cũng phải ghi nhận là hiện nay các tổ chức kinh tế tư nhân rất biết quan hệ với báo chí. Họ biết tận dụng và thiết lập mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Không chỉ hỗ trợ về công tác truyền thông, quảng cáo, báo chí giúp họ phản ánh những thực tại của cuộc sống mà các nhà kinh doanh, sản xuất cần quan tâm, thâm nhập vào để cùng giải quyết, thực hiện tốt vai trò sản xuất, kinh doanh của mình. Cho nên mối liên hệ giữa báo chí và các doanh nghiệp, doanh nhân là vô cùng cần thiết và cần phải thiết lập khăng khít hơn!”

Nghề báo & những trở trăn…!  - Ảnh 2

Luật sư Hà Đăng Luyện - Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh: “Báo chí là kênh hữu hiệu truyền thông, quảng bá cho doanh nghiệp…”

“Bước vào thời đại kỷ nguyên số, báo chí phát triển lên một tầm cao mới. Công nghệ hiện đại tạo ra rất nhiều thuận lợi cho nghề báo như có nhiều công cụ giúp nhà báo tác nghiệp nhanh, truyền tải thông tin kịp thời tới bạn đọc. Nếu như trước đây, để khai thác thông tin, nhà báo phải dựa vào sách báo cũ, đi đến thư viện hoặc phải tới tận nơi quan sát, tìm hiểu rất mất thời gian thì nay chỉ cần 1 cái smartphone, vài cái nhấp chuột vào Google là đã có đầy đủ tư liệu cần tìm. Chưa kể, phóng viên có thể chỉ cần ngồi ở tòa soạn mà có thể kết nối thông tin với toàn thế giới chỉ trong tích tắc.

Cùng với thuận lợi, cơ hội, công nghệ số phát triển cũng tạo ra nhiều thách thức với báo chí đòi hỏi các tòa soạn báo phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm báo đặc biệt là cách tiếp cận thông tin cũng như cách truyền tải thông tin tới bạn đọc nếu không sẽ bị tụt hậu. Ví dụ, việc mạng xã hội phát triển nhất là Facebook đã biến mỗi tài khoản Facebook thành 1 kênh thông tin và mỗi người đều có thể trở thành phóng viên. Vì không phải qua tầng lớp kiểm duyệt mới xuất bản nên tin tức sẽ nhanh hơn báo chí rất nhiều. Tuy nhiên, thông tin trên Facebook thường không phải nguồn chính thống được kiểm chứng nên báo chí vẫn là kênh tiếp nhận thông tin quan trọng của mọi người.

Đối với doanh nghiệp, báo chí luôn luôn giữ một vai trò rất đặc biệt. Báo chí và doanh nghiệp luôn song hành hỗ trợ cho nhau. Không có một cơ quan báo chí nào không cần đến sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhất là những tờ báo tự chủ về tài chính, kinh tế. Báo chí phản ánh hoạt động của doanh nghiệp còn doanh nghiệp lại là nơi cung cấp thông tin cho báo chí. Báo chí là kênh thông tin kinh tế, xã hội, kể cả thông tin chính trị giúp doanh nghiệp có được cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế cũng như sự phát triển của thị trường, xã hội. Doanh nhân thì tìm kiếm thông tin liên quan đến thị trường, khách hàng, sản phẩm…Thông tin kinh tế trên báo chí có ảnh hưởng lớn và phần nào quyết định chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân...

Báo chí là kênh hữu hiệu truyền thông, quảng bá cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bao giờ cũng có nhu cầu quảng bá sản phẩm, tìm đối tác làm ăn thông qua kênh báo chí ngoài kênh riêng của mình. Cùng một đối tượng công chúng, khách hàng, sản phẩm cùng phân khúc, nếu đối tác, đối thủ họ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên các phương tiện truyền thông, báo chí mà doanh nghiệp mình không làm là đánh mất cơ hội, bỏ trống thị trường và có thể phải tự rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, mặt trái của báo chí đối với doanh nghiệp cũng không phải là không có. Trong thời buổi bùng nổ về thông tin như hiện nay, chỉ cần một thông tin do báo chí cung cấp không trung thực hoặc dưới góc nhìn “có hại” thì doanh nghiệp sẽ ngay lập gánh chịu hậu quả…

Trong mọi thời kỳ, báo chí luôn có vai trò rất quan trọng đối với xã hội. Tuy nhiên, dù ở thời nào, công nghệ gì… nghề báo luôn cần một sự “trong sáng” và “chuẩn mực”… Chúng tôi mong muốn các nhà báo luôn là những người “vững tâm” cùng đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp và đóng góp một phần nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn!”. 

Nghề báo & những trở trăn…!  - Ảnh 3

Tiến sĩ; Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp; Phó Tổng Biên tập Báo Đồng hành Việt: “Báo chí, luật sư và doanh nghiệp – mối quan hệ không thể tách rời!”

“Nghề nhà báo và luật sư có rất nhiều điểm tương đồng và cũng hỗ trợ nhau rất nhiều trong công việc. Thực tế, nhà báo có trách nhiệm truyền tải thông tin mọi mặt của đời sống xã hội cũng như pháp luật đến mọi người, tuy nhiên không phải nhà báo nào cũng có thể hiểu biết và nắm rõ về pháp luật. Vì vậy luật sư trở thành “kênh thông tin” hữu ích đối với nhà báo để có thể truyền đạt thông tin một cách chính xác nhất đến với người đọc. Thời gian vừa qua có rất nhiều vụ án oan dưới sự phối hợp giữa việc đưa tin của nhà báo và vai trò của luật sư trong việc tìm ra các chứng cứ chứng minh các điểm sai phạm đã tìm ra được những khúc mắc, sai lầm trong xử lý vi phạm, giúp người dân đòi lại được công bằng.

Báo chí đôi khi là con dao hai lưỡi vừa có thể giúp mọi người cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và xác thực nhưng mặt khác lại có thể khiến người đọc có những suy nghĩ sai lệch do thông tin thiếu chính xác từ một số trang báo không chính thống. Nhưng dù vậy báo chí vẫn có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống tiêu cực, điển hình như việc đấu tranh phòng chống các cá nhân chủ nghĩa, các hoạt động sai trái hay phòng chống, đấu tranh và bảo vệ môi trường…

Và cũng không thể không phủ nhận được vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hiện nay. Cụ thể: Báo chí kết nối các doanh nghiệp với các nhà quản lý, người lao động…; Doanh nghiệp cũng có thể thông qua báo chí để quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến với công chúng một cách dễ dàng hơn.

Báo chí giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin, có thể tìm kiếm nhiều đối tác tiềm năng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” vì vậy hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có bộ phận pháp chế và đây là một bộ phận rất quan trọng, đặc biệt đối với mỗi doanh nghiệp. Đồng hành với bộ phận pháp chế sẽ là các luật sư luôn bên cạnh tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Thực tế trên cho thấy báo chí, luật sư và doanh nghiệp là mối quan hệ không thể tách rời!”

Đoan Trang

Theo: doanhnhan.vn