Thiếu thuốc: Vấn đề không chỉ của riêng ngành y
Cần sớm sửa đổi những quy định cứng nhắc, không cập nhật. Nếu sửa xong được, đảm bảo quy định chặt chẽ, minh bạch, công khai, chắc chắn các cơ sở sẽ tự tin mua sắm thuốc, vật tư y tế,…
PGS.TS Bùi Thu An và PGS.TS Đào Xuân Cơ thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 12/8, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Đây là vấn đề "nóng" không chỉ của Bệnh viện Bạch Mai mà còn là vấn đề "nóng" trong toàn ngành y tế. Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, có tới 28 Sở Y tế và 12 Bệnh viện Trung ương thiếu thuốc, vật tư y tế.
Phải đặt vấn đề sức khỏe lên hàng đầu
Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu rõ: An sinh xã hội là một trong ba trụ cột chính phát triển bền vững của đất nước (gồm: kinh tế, môi trường và an sinh xã hội).
Trong các chỉ đạo, chúng ta luôn lấy chất lượng cuộc sống của nhân dân là mục tiêu, hoạt động của tất cả các lĩnh vực, các ngành. Trong chất lượng cuộc sống thì yếu tố sức khỏe là số 1. Nhất là trong giai đoạn này, khi chúng ta vừa qua đại dịch COVID-19 thì vấn đề sức khỏe cần phải đặt quan tâm lên hàng đầu.
Trong 2 năm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta phải ghi nhận công sức của ngành y là rất lớn. Qua đó, nhân dân yên tâm hơn, tin tưởng hơn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là hậu COVID-19, xuất hiện nhiều bệnh mới, những bệnh chúng ta chưa từng gặp.
Do đó, muốn có sức khỏe thì chúng ta phải quan tâm đến ngành y tế, đến vấn đề điều trị và thuốc chữa bệnh,... Nhưng bây giờ chúng ta đang thiếu thuốc. Đây là vấn đề khá lớn trong giai đoạn hiện nay.
Qua ý kiến của PGS.TS Đào Xuân Cơ, việc thiếu thuốc không chỉ riêng ở Bệnh viện Bạch Mai hay một vài tỉnh, thành phố mà thiếu thuốc đang xảy ra ở rất nhiều nơi.
Việc này đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo. Chúng ta đang đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta cần phải có chính sách quan tâm đến sức khỏe người dân, nhất là người nghèo, người có công, người yếu thế trong xã hội.
Chúng ta không có đủ thuốc ngay với giá cả hợp lý thì tôi cho rằng đây là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng ngành y. Đặc biệt là những thuốc đặc trị cần gấp cho người bệnh.
PGS.TS Bùi Thị An: Thiếu thuốc là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng ngành y. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Nhanh chóng rà soát, cái gì vướng, phải sửa ngay
Theo PGS.TS Bùi Thị An: "Vừa qua ngành y có một số vấn đề, cần phải tháo gỡ dần. Chúng ta đã từng tháo gỡ cho các doanh nghiệp, cho đầu tư công thì chúng ta cũng phải gỡ được cho ngành y, nhất là vấn đề thuốc hiện nay.
Còn gỡ vấn đề thiếu thuốc như thế nào, thì tôi xin kiến nghị như sau:
Một là, Chính phủ cần rà soát, xem cơ chế, chính sách có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay. Giống như một trận đánh, chúng ta phải chụm đầu lại, làm thêm giờ, sửa văn bản.
Trong quá trình làm, đương nhiên có sai, chỉ có điều sai với động cơ vì dân thì khác với cái sai với động cơ vì cá nhân.
Cho nên, tôi đề nghị Chính phủ cho rà soát lại ngay và có lộ trình, đừng lâu quá, xem tất các văn bản liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm có gì vướng thì sửa ngay.
Cán bộ y tế "phải dũng cảm"
Hai là, tôi chia sẻ với ngành y vừa rồi có tâm lý e ngại vì một số sự việc. Nói rằng không e ngại là không đúng, vì chúng ta là con người.
Nhưng trong ngành y, vẫn còn nhiều y, bác sĩ rất dũng cảm, trong trường hợp này, cần sự dũng cảm của các đồng chí.
Hãy vào cuộc, với động cơ trong sáng, thì các đồng chí sẽ tìm được thuốc với giá hợp lí. Người dân không bao giờ trách sao mua đắt; đắt mà hợp lý thì chúng tôi vẫn chấp nhận".
Nếu quy định rõ ràng, công khai, minh bạch thì cơ sở sẽ không e ngại
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ: Về ý kiến chị An nói các cơ sở y tế phải dũng cảm. Cũng có ý kiến cho rằng hiện tại, giám đốc các bệnh viện, các nhà quản lý ở các Sở Y tế có tâm lý e ngại trong vấn đề mua sắm.
Thực tế nếu chúng ta có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai, tốt thì chắc chắn những nhà quản lý, những giám đốc bệnh viện sẽ không khó khăn gì khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc cho người bệnh.
Ví dụ như tại Bệnh viện Bạch Mai, khi nhận nhiệm vụ, Ban lãnh đạo bệnh viện đã quyết liệt chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, vật tư để phục vụ người bệnh.
Cho đến nay, về thuốc, Bệnh viện Bạch Mai chỉ thiếu khoảng 5-10%, do các nguyên nhân khách quan đem lại như các nhà cung ứng không có, hoặc đang chờ các gói thầu đấu thầu tập trung. Kết quả đấu thầu có rồi nhưng cần chờ thời gian làm các thủ tục cấp phép.
Còn hầu hết các thuốc thiết yếu, cơ bản thì tại Bệnh viện Bạch Mai, mặc dù số lượng bệnh nhân tăng đột biến nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh viện cung ứng khá kịp thời các thuốc thiết yếu cho người bệnh.
Chúng tôi là bệnh viện lớn nhưng không thiếu thuốc đến mức trầm trọng. Chúng tôi đã có những giải pháp như liên hệ với các bệnh viện xung quanh thành phố Hà Nội cùng các bệnh viện khác nữa để trao đổi, chia sẻ những thuốc trong gói đấu thầu tập trung, điều tiết những thuốc chưa dùng hết giữa các bệnh viện với nhau…
Tất cả những việc đó rất minh bạch, công khai. Chúng tôi hoàn toàn tự tin trong việc mua sắm nếu như tới đây các văn bản pháp quy được sửa theo hướng dễ làm, chắc chắn sẽ không có sự e ngại nào.
Bộ Y tế cần vào cuộc ngay cùng cơ sở
PGS.TS. Bùi Thu An bày tỏ: "Sau khi nghe ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai thì tôi cho rằng Bộ Y tế cần phải vào cuộc ngay.
Đây có thể là sáng kiến của các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai. Đang trong lúc khó mà các đồng chí dám làm với những yêu cầu hợp lý là minh bạch. Tôi kiến nghị Bộ Y tế vào cuộc cùng Bệnh viện Bạch Mai để các bệnh viện khác cũng sẽ làm được.
Tôi vẫn tin rằng, trong lĩnh vực y tế, có rất nhiều y bác sĩ để lại dấu ấn trong lòng dân. Dân biết ơn rất nhiều. Tôi tin rằng, trong lúc khó này, những tập thể đó sẽ tiếp tục xuất hiện. Nên đề nghị Bộ Y tế ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai".
Cần sớm sửa những quy định cứng nhắc, không cập nhật
PGS.TS. Đào Xuân Cơ nhấn mạnh: "Rõ ràng, những văn bản pháp quy ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của các cơ sở. Những văn bản pháp quy này hết sức cần thiết. Các cơ quan cơ sở khi thực hiện đều phải bám vào văn bản pháp quy.
Nếu những văn bản này khó làm hoặc có trục trặc thì khi các cơ quan hậu kiểm kiểm tra, họ chỉ căn cứ vào các văn bản pháp quy để kiểm tra. Nếu như các văn bản pháp quy không rõ ràng thì sẽ gây lúng túng. Đấy là cái e ngại cho các cán bộ cơ sở, chứ không phải cán bộ cơ sở e ngại việc các cơ quan hậu kiểm vào kiểm tra.
Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là hết sức cần thiết, vừa giúp các hoạt động công khai, minh bạch, vừa giúp cơ sở định hướng rất tốt.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với các đoàn kiểm tra để hoạt động sau đó tốt hơn. Nhưng rõ ràng vừa qua, khi cơ sở được kiểm tra, như Bệnh viện Bạch Mai là điển hình, thì bên cạnh những sai sót chủ quan của bệnh viện, còn có những văn bản pháp quy chưa hợp lý dẫn đến sai sót của cơ sở.
Chúng tôi đề nghị sớm sửa những quy định mang tính cứng nhắc, không có tính cập nhật. Nếu sửa xong được, chắc chắn các cơ sở sẽ tự tin làm những bài thầu, rất đơn giản, dễ và tính pháp lý cao, minh bạch, công khai".
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 16:35 - 12/08/2022