Báo cáo kết quả hoạt động hội nhiệm kỳ II (2017-2022) và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ, nhiệm kỳ III (2023-2028)
Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, bà Dương Thị Vân trình bày báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ II (2017-2022) và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ, nhiệm kỳ III (2023-2028).
Bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ II (2017-2022)
Nhiệm kỳ qua, cùng với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị định 45/NĐ-CP và Nghị định 33/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ II (2017-2022) đã đề ra. Ban chấp hành Liên hiệp hội đã luôn thực hiện đúng điều lệ trong đó trọng tâm là tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một chức của và vì người khuyết tật ở cấp quốc gia.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa II, đến hết năm 2022, công tác xây dựng tổ chức hội đã đạt được những kết quả tích cực, tổng số thành viên của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã được kết nạp là 47 tổ chức, tăng thêm 8 tổ chức thành viên so với năm 2018 mới có 39 tổ chức thành viên. Liên hiệp hội cũng thành lập thêm 2 cơ quan trực thuộc là Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng tiền thân là Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC và Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, Liên hiệp hội đã tích cực tham gia xây dựng, thúc đẩy, giám sát thực thi chính sách, pháp luật. Cùng với các đoàn kiểm tra, giám sát của UBQG về người khuyết tật; Ủy ban xã hội của Quốc hội, các bộ ngành như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng; Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế…, Liên hiệp hội đã có những báo cáo đề xuất bổ sung quy định luật về người khuyết tật như:
Báo cáo việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2018. Báo cáo bổ sung giám sát thực thi Công ước LHQ về quyền của người khuyết tật
Báo cáo đánh giá sơ bộ tình hình 9 năm thực hiện Luật Người khuyết tật, 7 năm thực hiện Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, 05 năm thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật tại Viêt Nam, gửi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nay là Ủy ban Xã hội trước phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong “thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật”
Đóng góp ý kiến, xây dựng các Bộ luật, Luật cùng các chính sách hỗ trợ người khuyết tật như: Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030…. Đặc biệt phải kể đến việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Chỉ thị 39 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật được ban hành ngày 01/11/2019.
Đối với công tác hợp tác quốc tế, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là thành viên của Mạng lưới người khuyết tật quốc tế, Châu lục và trong khu vực. Thời gian qua, Liên hiệp hội cùng các tổ chức thành viên, đơn vị trực thuộc như: USAID, CBM, UNDP, UNICEF, DHF/PTU,… cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, dự án, phi dự án có ý nghĩa, mang lại giá trị lâu dài, bền vững đối với người khuyết tật. Qua 5 năm thực hiện các dự án với tổng nguồn kinh phí lên đến gần trăm tỉ đồng. Có thể kể đến như:
Cùng UNDP thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử”, bước đầu đặt nền móng tăng cường năng lực cho người khuyết tật khi tham gia các hoạt động bầu cử; cùng UNICEF đánh giá công tác thực hiện Quyết định 647 của Chính Phủ; cùng tổ chức IC thực hiện khảo sát nhu cầu dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật tại các tỉnh miền Bắc, Trung; cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng tổ chức thành công Trại hè hạnh phúc tại Phú Yên cho trẻ em khuyết tật một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng là đơn vị trực thuộc đang triển khai dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” và Dự án “tăng cường chất lượng sống cho người khuyết tật tại các tỉnh bị phun dải nặng chất da cam” tài trợ cho khoảng 2500 đến 3000 người khuyết tật tại ba tỉnh, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam với tổng kinh phí hỗ trợ gần 10 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Viện ACDC cũng phối hợp, hỗ trợ kinh phí với các bộ Y tế, LĐTB&XH, Giao thông, UBQG về NKT tổ chức các hội thảo, tập huấn.
Công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện kịp thời, khích lệ, động viên người được khen thưởng. Năm 2020, hai Phó Chủ tịch của Liên hiệp hội được Thủ tướng tặng bằng khen và một số Ủy viên Ban Chấp hành, hội viên Liên hiệp hội được nhận bằng khen của Bộ LĐTB&XH về những đóng góp trong lĩnh vực an sinh xã hội nói riêng, những đóng góp cho cộng đồng nói chung. Tặng bằng khen và tôn vinh tôn vinh 47 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu vươn lên trong cuộc sống và tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân… tặng kỷ niệm chương vì hạnh phúc của người khuyết tật.
Chương trình đào tạo, dạy, học nghề, tư vấn pháp lý cũng như các chương trình hỗ trợ sinh kế, nâng cao năng lực, thực hiện dự án giúp cho người khuyết tật từng bước tiếp cận khoa học công nghệ, tiếp cận tài chính thông qua các dự án giúp người khuyết tật từng bước cải thiện cuộc sống, được các tổ chức quốc tế, phi chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh nhiệm vụ chính, 5 năm qua, Liên hiệp hội luôn phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức hội thành viên như: Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Hội Người khuyết tật Cần Thơ, các tổ chức hội của/vì người khuyết tật tại các địa phương khác như: Đà Nẵng, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Long, Quảng Trị, Bạc Liêu, Hòa Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, …, các mạng lưới như cha mẹ trẻ tự kỷ, trẻ bại não, trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam… để cũng vận động các nguồn kinh phí, thực hiện trợ giúp người khuyết tật như dạy nghề, tập huấn nâng cao năng lực, vận động chính sách, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, tư vấn, tặng quà, cử người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… nhất là trong các dịp lễ tết của dân tộc, ngày của người khuyết tật.
Với những kết quả đạt được, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên, người khuyết tật ngày càng được quan tâm. Các tổ chức của và vì NKT cấp cơ sở ngày càng phát triển. Mạng lưới hội NKT ngày càng được mở rộng và đón nhận được sự tin tưởng của các cấp chính quyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại hạn chế như: Chế độ, chính sách cho người khuyết tật còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất giữa các bộ ngành, chính sách có nhưng khó triển khai. Thậm trí, có nhiều nơi, năng lực quản lý của cán bộ còn yếu, còn thiếu và cũng còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm công tác thực thi chế độ chính sách đối với người khuyết tật.
Hoạt động của Ban Chấp hành của Liên hiệp hội còn yếu, chưa hoạt động thực sự hiệu quả, còn rời rạc, thiếu sự gắn kết; nhiều ủy viên hoạt động mờ nhạt thậm chí không tham gia hoạt động. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động hội không có, Hội hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Liên hiệp hội vẫn chưa có trụ sở, phải nhờ trụ sở của Hội Người mù Việt Nam. Nguyên nhân chính là do Liên hiệp hội không phải Hội đặc thù, chưa được tham gia vào các hoạt động theo diện Nhà nước giao nhiệm vụ. Ngoài ra, Nghị định số 80/2020/NĐ-CP đã ra đời quy định về quản lý đối với các đơn vị cơ quan, hội… các tổ chức hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại vẫn còn một số bất cập nên việc phê duyệt các dự án còn gặp nhiều khó khăn với các đơn vị trong đó có Liên hiệp hội.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, đại hội đã đề ra phương hướng với 11 chương trình hành động và 12 mục tiêu phải hoàn thành trong nhiệm kỳ III (2023-2028) như:
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ II, tập trung thực hiện tốt kế hoạch và mục tiêu đại hội đã đề ra với những nội dung cụ thể:
Một là. Phát triển mạng lưới tổ chức của và vì người khuyết tật theo hướng đa dạng hóa và chiều sâu;
Hai là. Tiếp tục tham gia góp ý, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, phản biện, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy thực thi chính sách, pháp luật về NKT;
Ba là. Tăng cường công tác truyền thông; phổ biến chính sách pháp luật đến với NKT và cộng đồng xã hội;
Bốn là. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức đối với NKT và cộng đồng
Năm là. Mở rộng đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế; khảo sát, đánh giá độc lập tình hình thực thi Công ước, Luật và các chính sách đối với NKT…
Sáu là. Tham gia các đoàn kiểm tra giám sát của Quốc hội, Bộ LĐTBXH và các cơ quan ban ngành;
Bảy là. Tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT; thúc đẩy thực hiện quyền và nghĩa vụ của NKT
Tám là. Tăng cường các hoạt động trên cơ sở tổ chức triển khai thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và các quy định tại Điều lệ;
Chín là. Tăng cường hiệu quả chất lượng hoạt động của Văn phòng và các ban chuyên môn;
Mười là. Liên kết, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa Liên hiệp hội với các tổ chức hội thành viên, giữa các ban và đơn vị trực thuộc….
Mười một là. Nghiên cứu và thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ đối với NKT; cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu/yêu cầu của NKT
Mục tiêu cần thực hiện trong nhiêm kỳ III (2023-2028) cụ thể là:
Một là. Phát triển thêm 10 tổ chức hội thành viên
Hai là. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ văn phòng, các ban chuyên môn, ủy viên ban chấp hành về quản trị, tài chính, truyền thông cùng các kỹ năng tư vấn, giám sát…
Ba là. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho NKT
Bốn là. Tổ chức ít nhất 2 sự kiện chào mừng/năm
Năm là. Tổ chức ít nhất 3 sự kiện tuyên dương NKT
Sáu là. Tham gia ít nhất 1 đoàn kiểm tra giám sát/năm
Bảy là. Tổ chức đánh giá độc lập ít nhất 2 năm/lần trong công tác thực thi chính sách
Tám là. Tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho ít nhất 500 người
Chín là. Xây dựng Tạp chí điện tử Đồng hành Việt thành Tạp chí đa phương tiện
Mười là. Tổ chức ít nhất 1 hội thảo quốc tế
Mười một là. Phấn đấu thực hiện 3 dự án hỗ trợ/nâng cao năng lực cho NKT/năm
Mười hai là. Trở thành địa chỉ uy tín trong việc nghiên cứu các mô hình hỗ trợ NKT cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ NKT
Trần Hồng – Phạm Vân
Theo Tạp chí Điện tử Đồng hành Việt
Thời gian đăng: 29/09/2023