Mở con đường tri thức tới người khiếm thị qua dự án sách nói “Open Road”

12/07/2021, 09:43

Đã có 11 năm gắn bó với người khiếm thị, trở lại thời điểm đầu tiên gắn bó, Đặng Thế Lâm - chàng kỹ sư Bảo dưỡng công nghiệp – một ngành mà theo anh nói là “chẳng liên quan gì đến người khiếm thị”, đã quyết định tự thành lập một tổ chức hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị mang tên “Việt Nam và những người bạn” (Vietnam And Friends-VAF) để hoạt động vì cộng đồng.

 

Anh Đặng Thế Lâm

Anh Đặng Thế Lâm và hình trình xuyên Việt của mình (Ảnh: FB nhân vật)

Để tìm hiểu thêm về con người đầy nhiệt huyết cũng như các hoạt động, dự án Việt Nam và những người bạn (Vietnam And Friends-VAF) mang lại cho cộng đồng nói chung và cho người khiếm thị nói riêng, Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt đã có buổi phỏng vấn, trao đổi cùng anh Đặng Thế Lâm – nhà sáng lập tổ chức hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị VAF.

PV: Rất cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn của Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt. Được biết anh là người sáng lập ra tổ chức hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị Việt Nam và những người bạn (VAF) với mục tiêu hướng tới người yếu thế. Vậy cơ duyên nào đã khiến anh dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm người yếu thế, đặc biệt là những người khiếm thị như vậy?

Anh Đặng Thế Lâm: Tôi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư Bảo dưỡng công nghiệp – một ngành chẳng liên quan gì đến người khiếm thị. Sau hơn một 1 năm du học tại Pháp, tôi quay trở lại Việt Nam. Ai cũng nghĩ tôi sẽ làm cho một công ty lớn để ổn định cuộc sống thì tôi lại “dở chứng” quyết định tự thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên Vietnam And Friends để hoạt động vì cộng đồng.

Tôi thấy được trí tưởng tượng ở người khiếm thị phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc hơn thị giác người bình thường rất nhiều. Đó là điểm nổi bật của người khiếm thị mà ít ai có thể nhận ra. Họ vui vẻ, lạc quan, yêu đời nhưng còn quá nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều việc khiến họ gặp hạn chế, khó khăn để tiếp cận với giáo dục, hay chăm sóc y tế. Chính vì điều đó đã thôi thúc tôi thực hiện ý tưởng đã ấp ủ bao năm  đồng hành cùng người khiếm thị trên hành trình “hòa nhập” và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Và đến nay, tôi đã có 11 năm gắn bó và đồng hành cùng người khiếm thị.

PV: Anh hãy chia sẻ đôi chút về những dự án hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị trong thời gian qua?

Anh Đặng Thế Lâm: Trong suốt 11 năm đồng hành cùng với người khiếm thị, tôi và những tình nguyện viên luôn tập trung vào hỗ trợ phát triển giáo dục, văn hóa cho người khiếm thị đặc biệt là các hoạt động tương tác để thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị và người sáng mắt. Dự án gần đây được mọi người biết đến là giải chạy thường niên Chạy với tôi – 2gether, giải chạy đầu tiên giữa người sáng mắt và người khuyết tật (NKT) được tổ chức tại Việt Nam. Hiện tại chúng tôi tập trung vào hai dự án chính: trung tâm tiếng Anh miễn phí cho người khiếm thị và Thư viện sách nói “Open Road” miễn phí cho người khiếm thị trên điện thoại thông minh.

Dự án “Open Road” bắt đầu được triển khai từ tháng 9 năm 2019 đến nay đã nhận được nhiều ủng hộ, tiếp cận của đông đảo người khiếm thị cũng như những tình nguyện viên thích thú và tham gia vào dự án này. Mục tiêu của dự án thu được 1000 đầu sách trong vòng 1 năm nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc thu âm sách cũng gặp một vài khó khăn về tiến độ.

PV: Đạp xe xuyên Việt gây quỹ là hành trình hoàn toàn mới đối với mọi người. Liệu anh có mong muốn và kỳ vọng gì về hành trình đạp xe xuyên Việt này?

Anh Đặng Thế Lâm: Đạp xe xuyên Việt không phải là một chuyến đi khám phá bản thân, du ngoạn mà mục đích sau hành trình này là để gây quỹ duy trì cho các dự án sách nói “Open Road” và gặp gỡ những Hội người mù trên cả nước, đến các cơ sở dạy nghề của họ, tham gia các lớp học chữ cùng họ, thậm chí chỉ để ngồi nghe họ kể về cuộc đời mình. Qua đó, tôi có thể trực tiếp được lắng nghe, được trải nghiệm thực tế về người khiếm thị ở các tỉnh xa xôi đặc biệt là vùng núi, dân tộc thiểu số nơi tôi chưa từng có cơ hội tiếp xúc.

“Open Road” có thể coi là đôi mắt của người khiếm thị, bởi vậy nên tôi phải trực tiếp trải nghiệm thì mới có thể truyền tải đầy đủ tinh thần và mong muốn của người khiến thị vào từng đầu sách. Mục tiêu nâng cao năng lực về giáo dục, văn hóa đọc cũng như kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị và người mắt sáng.

Anh Đặng Thế Lâm

PV: Hành trình đạp xe xuyên Việt hẳn là một hành trình đầy trải nghiệm, anh hãy chia sẻ đôi chút về hành trình này.

Đặng Thế Lâm: Tôi định xuất phát vào tháng 2 nhưng vì dịch COVID-19 bùng phát nên phải trì hoãn lại sáng ngày 14/3. Đồng hành với tôi là chiếc xe đạp, trung bình mỗi ngày đi được 50km. Khi tôi đến Hội Người mù Quảng Nam, tôi được tham dự lớp học chữ nổi dành cho hội viên. Người cao cuổi nhất của lớp học là hơn 70 tuổi, gấp đôi tuổi tôi. Chắc có người nghe thế sẽ nói: 70 tuổi thì học làm gì nữa? Đúng vậy, thú thật lúc đầu tôi cũng thoáng qua suy nghĩ đó, “tại sao bác từng này tuổi rồi vẫn đi học?”. Bác chia sẻ: “Học chứ, thấy tụi trẻ cầm cái điện thoại lướt lướt thông tin mình cũng ham; mình còn đi học cách sử dụng điện thoại thông minh để bằng con bằng cháu. Thế rồi mình thấy phải biết chữ, để tự đọc sách, tài liệu chữ nổi – ôi thích lắm – mắt đã không thấy, không biết chữ thì cứ đi sau mọi người mãi”. Quả thực chỉ có sách mới có thể giúp người khiếm thị được tiếp cận được với con đường mở - Open Road, con đường của tri thức. Người khiếm thị như một trang giấy trắng, họ không được nhìn thấy vạn vật nên Open Road có thể giúp người khiếm thị tô thêm màu cho cuộc sống.

Hay tôi được một em tặng dưa hấu trên đường khi thấy tôi đạp xe giữa trưa tại Quảng Ngãi. Đó là những hành động nhỏ nhưng rất cảm động vì lòng tốt của mọi người mà tôi thêm động lực “viết” tiếp dự án sách nói cho người khiếm thị.

Anh Đặng Thế Lâm

Anh Đặng Thế Lâm có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người khiếm thị trên hành trình xuyên Việt của mình

(Ảnh: FB nhân vật)

PV: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua khiến hành trình của anh gặp khó khăn gì không? Và anh nhận được gì sau hành trình này?

Anh Đặng Thế Lâm: COVID-19 đã cản trở hành trình của tôi khá nhiều. COVID-19 bắt đầu bùng phát trở lại ngoài Hà Nội khi tôi đang ở TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ người khuyết tật tại miền Tây. Tôi gặp rất nhiều khó khăn, dù tôi đã rời Hà Nội từ rất lâu trước khi dịch bùng phát trở lại nhưng vì dịch COVID-19 lần này nguy hiểm hơn, tốc độ lan nhanh hơn nên phần lớn kế hoạch làm việc phải hủy bỏ vừa để bảo vệ bản thân vừa bảo vệ mọi người.

Mặc dù vậy, hành trình đạp xe xuyên Việt đã kết thúc sau 60 ngày đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm, tôi thấu hiểu văn hóa, khó khăn của người khiếm thị từng vùng miền, từ đó sẽ áp dụng, lựa chọn và đưa ra những chương trình phù hợp với nhu cầu của người khiếm thị hơn. Hành trình đạp xe xuyên Việt đã thành công mang dự án sách nói “Open Road” đến người dân khắp cả nước, đặc biệt là người khiếm thị. Hầu hết mọi người đều hưởng ứng, có thái độ tích cực và mong chờ đón nhận kết quả của dự án sách nói. Ngoài ra, tôi thành công tạo được quỹ duy trì dự án với số tiền hơn 206 triệu đồng.

Số tiền đã quyên góp được hơn 206 triệu đồng sẽ giúp VAF duy trì nền tảng ứng dụng Thư viện sách nói miễn phí cho người khiếm thị trên Android và IOS trong vòng 2 năm và giúp chúng tôi sản xuất 100 đầu sách nói, tương đương 15.000 trang sách chữ sáng.

PV: Quả là một hành trình thành công phải không ạ? Vậy sắp tới anh có ấp ủ dự định, dự án nào dành cho người khiếm thị không?

Anh Đặng Thế Lâm: Có những kế hoạch, hoạt động mà VAF dự định triển khai vào đợt cuối năm 2021. Chúng tôi sẽ tổ chức các lớp học thông qua các hoạt động thể thao, vẽ, làm gốm, âm nhạc - nghệ thuật… và áp dụng các liệu pháp chữa trị tâm lý để người khiếm thị có thể tự tin hòa nhập cộng đồng. Mong rằng, dịch bệnh được đẩy lùi để những dự định đó sớm được triển khai.

PV: Qua buổi trò chuyện này, anh hãy chia sẻ thông điệp gửi đến mọi người để khơi dậy tấm lòng, tinh thần giúp đỡ người khiếm thị

Anh Đặng Thế Lâm: Có thể thấy tuy bắt đầu dự án hầu như từ tay trắng, nhưng chính sự tử tế, chung tay của mọi người từ người thân, đến cả những người tôi chưa hề gặp chúng tôi đã khiến hành trình đi ngược chiều của tôi không hề cô đơn. Những tình cảm chân thành ấy khiến tôi nhận ra rằng: bạn chẳng bao giờ quá già hay quá trẻ để bắt đầu một hành trình. Và dù bạn có đi ngược chiều với suy nghĩ của nhiều người, có bị gọi là hâm như tôi nữa thì đã sao? Miễn là tôi cảm thấy tôi đang sống, được đồng hành cùng người khác về đích thay vì chăm chăm chỉ tiến về đích một mình. Vậy nên hãy viết nên hành trình thanh xuân của riêng bạn, khi đó ngược chiều hay thuận chiều đều được!

Cảm ơn về những chia sẻ của anh.  Mong rằng Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt có cơ hội đồng hành cùng anh trong một số dự án tiếp theo của anh và VAF dành cho người khiếm thị!

Nguyễn Khương

Theo donghanhviet.vn

Thời gian đăng: 11:58 - 10/07/202